Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Ứng dụng Fibonacci trong PTKT

Có một “tỷ lệ” rất đặc biệt được sử dụng để mô tả tính cân đối của vạn vật từ những khối cấu trúc nhỏ nhất của thiên nhiên như nguyên tử cho đến những thực thể có kích thước cực kỳ khổng lồ như thiên thạch. Không chỉ thiên nhiên phụ thuộc vào nó để duy trì sự cân bằng mà thị trường tài chính có vẻ như cũng vận động theo một quy luật tương tự!

Các nhà toán học, khoa học, và tự nhiên học đã biết đến “tỷ lệ vàng” này trong nhiều năm. Nó được rút ra từ dãy Fibonacci, do nhà toán học người Ý, Leonardo Fibonacci (1175-1250) tìm ra. Mỗi số trong dãy là tổng của hai số trước đó.



Dãy số Fibonacci: 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, 233, 377, 610,…

  • Nếu bạn lấy tỉ lệ của bất kì con số nào với con số liền sau nó, kết quả sẽ là 0.618. Ví dụ: 34/55 = 0.618.
  • Nếu bạn lấy tỷ lệ của bất kỳ con số nào với con số liền trước nó, kết quả sẽ là 1.618. Ví dụ: 89/55=1.618. Ngoài ra, 1/0.618=1.618
  • Nếu bạn lấy 1 số bất kỳ chia cho số kế tiếp của số liền sau sau nó, kết quả sẽ là 0.382. Ví dụ, 34/89 = 0.382. Ngoài ra, 1-0.618 = 0.382.

Tỷ lệ 1.618 được biết đến với rất nhiều tên gọi: tỷ lệ vàng, tỷ lệ thần thánh, PHI … Vậy thì tại sao tỷ lệ này lại quan trọng đến vậy?

Vạn vật dường như có thuộc tính gắn kết với tỷ lệ 1.618, có lẽ vì thế mà nó được coi là một trong những nhân tố cơ bản cấu thành nên các thực thể trong tự nhiên. Nếu chia tổng số ong cái cho tổng số ong đực trong một tổ ong bất kỳ, bạn sẽ có giá trị là 1.618. Nếu lấy khoảng cách từ vai đến móng tay chia cho khoảng cách giữa cùi chỏ và móng tay thì bạn cũng có được giá trị 1.618.

Tính xác thực của các ví dụ trên bạn có thể từ từ kiểm chứng nhưng chúng ta hãy cùng xem “tỷ lệ vàng” có ứng dụng gì trong tài chính. Phân tích kỹ thuật sử dụng Fibonacci là phương pháp nhận biết các mức hỗ trợ và kháng cự tiềm năng trong tương lai dựa trên xu hướng giá và sự đảo chiều trong quá khứ.

Trong phạm vi bài viết, chúng ta sẽ tập trung vào hai công cụ phân tích phân tích chính là Fibonacci Retracement (fibonacci thoái lui) và Fibonacci Projection (fibonacci mở rộng), ngoài ra chúng ta cũng tiếp cận các công cụ khác ứng dụng fibonacci như Fibonacci Fan, Fibonacci Arc và Fibonacci Time Zones.

FIBONACCI RETRACEMENT





Ở biểu đồ trên, các bạn có thể thấy xu hướng chung của VNIndex là giảm điểm từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2011, tuy nhiên xu hướng giá không xuống thẳng một lúc. Sẽ có những lúc giá dịch chuyển ngược xu hướng chính sau đó lại quay trở lại và tiếp tục xu hướng ban đầu. Đây là tính chất hồi giá và phát triển của một xu hướng. Khi giá bắt đầu đảo chiều xu hướng, một cách rất tự nhiên các nhà đầu tư trên thị trường sẽ muốn biết được giá sẽ dịch chuyển trong xu hướng mới này trong bao lâu. Công cụ Fibonacci Retracement sẽ giúp bạn xác định điều đó!

Trong xu hướng lên, chúng ta có thể mua khi thị trường thoái lui tại những mức hỗ trợ (support) của Fibonacci retracement. Các mức này được vẽ từ điểm thấp nhất tới một điểm cao nhất trong xu hướng tăng lên trước đó. Các mức thoái lui sẽ xuất hiện và cho bạn biết rõ tỉ lệ của từng mức. Chúng ta hãy xem 1 ví dụ cụ thể khi thị trường đang trong xu hướng đi lên.
Sau khi đạt đỉnh 633.21 điểm vào ngày 23/10/2009, VNIndex bắt đầu đảo chiều giảm điều chỉnh. Lúc này ta có thể sử dụng Fibonacci Retracement (FR) để đo mức thoái lui của thị trường, kéo FR từ thời điểm bắt đầu xu hướng tăng (ngày 27/2/2009) đến đỉnh của xu hướng (ngày 23/10/2009) ta có các mức 23.8%; 38.2%; 50% và 61.8% là các mức hỗ trợ tiềm năng của VNIndex. Thực tế cho ta thấy, VNIndex đều cho dấu hiệu tăng giá khi thoái lui về các mức này, và cuối cùng tạo đáy ở mức 50%. Nếu bạn tin rằng thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm và sẽ sớm quay trở lại xu hướng tăng trước đó, một chiến lược giao dịch hợp lý được đề xuất là giải ngân từng phần với những tỷ trọng thích hợp khi VNIndex thoái lui về những ngưỡng hỗ trợ của FR này.
Trường hợp này ta áp dụng Fibonacci Retracement trong xu hướng xuống, ta có thể thấy thị trường bắt đầu giảm từ đỉnh 492.44 điểm ngày 8/5/2012 và đạt đáy ngắn hạn ngày 11/7/2012. Sau đó, giá có xu hướng tăng trở lại. Sử dụng FR ta có mức kháng cự tiềm năng ở mức 23.6%; 38.2%; 50% và 61,8%. Thực tế, VNIndex đã có dấu hiệu giảm khi chạm mức 23.6% và cuối cùng đảo chiều ở mức 38.2%. Mặt khác, nếu VNIndex tiếp tục phá vượt qua mức kháng cự 38.2% này, nó sẽ hướng đến những mức kháng cự cao hơn 50%, 61.8%, 100%,...

Qua những ví dụ trên, có thể thấy khi thị trường đang trong xu hướng đi lên, Fibonacci Thoái lui sẽ cho chúng ta biết những mức hỗ trợ (support), cũng như khi thị trường trong xu hướng xuống, Fibonacci Retracement sẽ cho biết những mức kháng cự (resistance). Và như vậy, rõ ràng là chúng ta có thể tìm thấy những vị trí để đặt lệnh. Không có cách nào để biết chắc chắn trước mức Fibonacci Retracement nào sẽ trở thành mức hỗ trợ/kháng cự. Thông thường 0.236 là một mức hỗ trợ/kháng cự yếu, giá thường bật lại ở mức 0.382; 0.5 và 0.618. Dù các biểu đồ trên cho thấy thị trường thường hay lùi về mức 0.382 thì cũng không có nghĩa là giá sẽ luôn đổi hướng mỗi khi chạm mức này. Có lúc giá chạm mức 0.5 rồi đổi chiều, cũng có khi chạm mức 0.618 rồi mới đổi chiều. Và cũng rất đáng tiếc là có những trường hợp giá hoàn toàn bỏ qua những gì mà Fibonacci Retracement tính toán.

Fibonacci thất bại

Hãy luôn nhớ rằng, thị trường không phải lúc nào cũng chạm mức Fibonacci thoái lui sau đó quay lại xu hướng cũ!

Chúng ta đã từng nói rằng, các mức hỗ trợ và kháng cự cũng bị phá vỡ. Điều này cũng xảy ra đối với các mức Fibonacci. Hãy cùng theo dõi ví dụ dưới đây
Bạn thấy rằng thị trường đang ở trong xu hướng đi xuống, và bạn cho rằng đợt tăng giá hiện tại của thị trường chỉ là phục hồi kỹ thuật. Bạn quyết định sử dụng FR để tìm ra mức giá mục tiêu hay nói cách khác là đỉnh của đợt phục hồi này.

Wow! Thật là tuyệt khi giá chạm mức 38.2% và đang có xu hướng đảo chiều đi xuống, bạn quyết định tham gia ngay vào thị trường ở thời điểm này và mơ màng về việc sẽ mua gì với số tiền kiếm được ^^

Nhưng hãy coi diễn biến tiếp theo của thị trường...
Diễn biến thực tế lại trái ngược hoàn toàn với quyết định của bạn. Đáy của sóng giảm trước đó đã là đáy của xu hướng xuống và thị trường đã bắt đầu tiến vào một chu kỳ tăng giá mới.

FIBONACCI PROJECTION 

Nhắc lại một lần nữa là thị trường thường sẽ không tăng một mạch theo xu hướng chính mà sẽ vận động theo kiểu “tiến 2 bước, lùi 1 bước”, việc vận dụng Fibonacci Retracement kết hợp với các công cụ khác đã cho ta biết những “mức lùi” tiềm năng giúp chung ta tham gia vào thị trường ở những mức giá thích hợp. Còn công cụ Fibonacci Projection sẽ cho chúng ta biết “mức tiến” tiềm năng của thị trường! 

Để vẽ Fibonacci Projection (mở rộng) chúng ta cần xác định 3 điểm A, B, C, phía dưới là hình mô tả:
Trong một xu hướng tăng, ta kéo FP từ điểm bắt đầu xu hướng tăng (A) lên đỉnh ngắn hạn (B) rồi tiếp tục kéo xuống đáy điều chỉnh (C). FP sẽ cho chúng ta các mức giá mục tiêu tương ứng với mức 0.618, 1, 1.618,… là các ngưỡng kháng cự tiềm năng (vùng mà giá có tiềm năng đạt đến và đảo chiều)

Các mục tiêu giá:
Từ điểm C: 
Mục tiêu 1 = 0.618 lần khoảng cách từ điểm A đến điểm B 
Mục tiêu 2 = 1.000 lần khoảng cách từ điểm A đến điểm B 
Mục tiêu 3 = 1.618 lần khoảng cách từ điểm A đến điểm B 

Tất nhiên , giá có thể tiếp tục chạy vượt qua cả 3 mức trên. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sử dụng Fibonacci mở rộng để tìm ra những mục tiêu tiềm năng thì đây chính là cách để tìm ra chúng. Rất đơn giản, chỉ cần bạn hiểu cách vẽ 3 điểm A, B, C là bạn có thể làm được.
Ví dụ về áp dụng Fibonacci Projection (FP) với biểu đồ VNIndex cuối năm 2008.
Bài học ở đây là gì? 

Khi mức Fiboancci thực sự mang lại cho bạn cơ hội cao hơn để giao dịch thành công, nhưng cũng như các công cụ kỹ thuật khác, chúng không phải lúc nào cũng chính xác. Mà một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến hiệu quả trong việc sử dụng Fibonacci là xác định đỉnh và đáy sóng. Mọi người có cách nhìn biểu đồ khác nhau, trong một khung thời gian khác nhau, và có những quan điểm phân tích cơ bản của riêng họ, do đó cũng có những ý kiến khác nhau về đỉnh hay đáy sóng. 

Điểm mấu chốt là không có một quy luật tuyệt đối nào, đặc biệt khi xu hướng trên biểu đồ không rõ ràng. Đôi khi nó giống như đoán mò vậy. Đó là lý do tại sao bạn cần phải trau dồi kỹ năng và kết hợp công cụ Fibonacci với các công cụ khác để giúp bạn tìm ra được khả năng thành công cao hơn. 

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách thức sử dụng công cụ Fibonacci kết hợp với dạng khác của mức hỗ trợ, kháng cự và nến.

Kết hợp Fibonacci với mức hỗ trợ và kháng cự

Công cụ Fibonacci nên được kết hợp với các công cụ khác. Trong phần này, chúng ta sẽ lấy những gì bạn đã học được cho đến nay và thử kết hợp chúng để giúp ta có hệ thống giao dịch hiểu quả.

Một trong những cách tốt nhất sử dụng Fibonacci là kết hợp với mức hỗ trợ, kháng cự và chú ý xem mức này có trùng với mức của Fibonacci Retracement (thoái lui) hay không.

Hãy cùng xem ví dụ dưới đây.
Bạn thấy rằng SSI đang ở trong xu hướng giảm điểm khá rõ ráng, và bạn cho rằng một số phiên tăng điểm gần đây chỉ là điều chỉnh kỹ thuật trước khi SSI tiếp tục quay trở lại xu hướng chính của nó là giảm điểm. Bạn bắt đầu sử dụng FR từ đỉnh ngày 14/12/2010 đến đáy ngày 26/5/2011, bây giờ ta đã có thể lựa chọn cho mình thời điểm tham gia vào thị trường dễ dàng hơn với các mức FR.
Nhưng hơn thế nữa, bạn muốn tìm kiếm một điểm vào lệnh tốt tốt trong các mức FR được đưa ra. Nhìn lại đồ thị, bạn thấy rằng mức FR 38.2% trùng với một mức hỗ trợ khá mạnh trong quá khứ, nhưng nay nó đã bị phá vỡ và trả thành một mức kháng cự cho xu hướng tăng điểm của giá. Chính vì vậy, bạn quyết định tập trung vào lệnh ở mức FR 38.2% này. Hãy chờ xem kết quả!
Tại sao như vậy? 

Đầu tiên, mức hỗ trợ và kháng cự trước đó sẽ là khu vực tốt để mua hoặc bán bởi vì hầu hết các nhà giao dịch thường để mắt đến chúng. 

Thứ hai, ta biết rằng rất nhiều nhà giao dịch sử dụng công cụ Fibonacci, do đó nhiều khả năng họ cũng đang chờ cơ hội để tham gia vào thị trường tại các mức Fibonacci này. 

Do vậy, đó thực sự là một cơ hội tốt với hàng loạt lệnh mua bán được tiến hành tại một mức hỗ trợ hay kháng cự khi các nhà giao dịch cùng quan tâm đến mức đó. 

Tuy rằng không có đảm bảo là giá sẽ bật lên tại các mức này nhưng ít nhất, bạn có thể tự tin hơn với sự mua bán của mình. 

Bạn phải luôn nhớ rằng, tất cả giao dịch là có xác suất. Nếu bạn bám theo những giao dịch có xác suất thành công cao, bạn sẽ có cơ hội đi được xa hơn.

Kết hợp Fibonacci với Nến

Khi kết hợp các công cụ Fibonacci với mô hình nến, chúng ta tìm kiếm các tín hiệu nến suy yếu. Nếu bạn biết được khi áp lược mua hoặc bán bị cạn kiệt, nó có thể cho bạn gợi ý về xu hướng sắp tới của giá.

Hãy xem một ví dụ.
ITA đang ở trong giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật sau xu hướng tăng khá mạnh mẽ, bạn quyết định dùng FR để tìm kiếm những mức hỗ trợ tiềm năng của giá. 

Bạn thấy điều gì? Một mẫu hình đảo chiều bullish harami xuất hiện ở ngay mức FR 61.8%. Tuy không hoàn toàn chắc chăn, nhưng điều này sẽ làm gia tăng sức mạnh của mức hỗ trợ FR 61.8%. Và hãy xem điều gì diễn ra sau đó!
Kết hợp các công cụ Fibonacci 

Một phương pháp khác để gia tăng hiệu quả khi sử dụng Fibonacci là kết hợp nhiều công cụ Fibonacci.
Trong ví dụ này, HNXIndex đang tiến vào giai đoạn điều chỉnh sau xu hướng tăng trước đó, chúng ta kéo FR thứ nhất (màu xanh) từ đáy ngày 24/2/2009 đến đỉnh ngày 23/10/2009 và FR thứ hai từ đáy điều chỉnh ngày 27/4/2009 đến đỉnh 23/10/2009.

Có thể thấy rằng có 3 sự giao hội khá rõ ràng khi sử dụng đồng thời 2 FR này, 38.2% (xanh) trùng với 50% (đỏ); 50% (xanh) trùng với 61.8% (đỏ) và 61.8% (xanh) trùng với 78.6% (đỏ). Điều này sẽ làm tăng thêm sức mạnh hỗ trợ của 3 mức FR này, và kết quả là:
HNXIndex đã tăng điểm trở lại khi thoái lui về mức FR 61.8% (xanh) trùng với 78.6% (đỏ). Hơn thế nữa, việc xuất hiện một cây nến hammer ở mức FR kết hợp này sẽ càng làm tăng thêm khả năng đảo chiều quay trở lại xu hướng tăng của chỉ số.

FIBONACCI FAN (FF)

Fibonacci Fan được vẽ bằng cách kết nối hai điểm giá cao nhất và thấp nhất của giai đoạn phân tích. Sau đó một đường thẳng đứng “vô hình” sẽ được vẽ qua điểm giá cao nhất. Tiếp theo đó 3 đường chéo sẽ được vẽ từ điểm giá thấp nhất cắt đường thẳng đứng “vô hình” tại 3 mức 38.2%, 50.0%, 61.8%. Ba đường thẳng này sẽ đóng vai trò hỗ trợ/kháng cự cho diến biến của giá trong tương lai!
Trực quan ta có thể thấy 3 đường FF phát huy rất rõ những vai trò hỗ trợ/kháng cự cho giá. Sau khi đạt đỉnh ở điểm A, HNXIndex điều chỉnh giảm và được hỗ trợ khá tốt bởi đường FF thứ 2 (điểm B), trở lại xu hướng tăng điểm, chỉ số lại được sự hỗ trợ bởi đường FF thứ nhất khi liên tục bám phía trên đường này trong nhều ngày. Tiếp theo đó là các vai trò hỗ trợ ở các điểm C, D, F; vai trò kháng cự ở điểm E

FIBONACCI ARC (FA)

Fibonacci Arc được thiết lập đầu tiên bằng cách vẽ đường thẳng kết nối 2 điểm có mức giá cao nhất và thấp nhất của giai đoạn phân tích. 3 đường cong sau đó được vẽ với tâm nằm trên điểm có mức giá cao nhất và có khoảng cách bằng 38.2%, 50.0%, 61.8% độ dài đường thẳng thiết lập
FA dùng để dự đoán mức hỗ trợ và kháng cự khi đồ thị giá tiếp cận với đường cong. Một kỹ thuật phổ biến là theo dõi cả hai đường FA, FF (Fibonacci Fan) và dự đoán mức hỗ trợ/kháng cự tại điểm giao giữa đồ thị giá và đường FA/FF. 

Lưu ý rằng đồ thị giá cắt đường FA tại điểm nào còn tùy thuộc vào kích cỡ của đồ thị, nói cách khác đường FA được vẽ lên đồ thị nên nó có mối tương quan với kích cỡ cân đối của đồ thị trên màn hình vi tính hoặc trên giấy. 

Đồ thị giá VNIndex mô tả cách mà đường FA tìm ra các điểm hỗ trợ và kháng cự (điểm A, B, C, D)

FIBONACCI TIME ZONE

Fibonacci Time Zones bao gồm một loạt các đường thẳng đứng. Sắp xếp theo trật tự của dãy Fibonacci 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34,… Cũng như các đường khác, diễn biến thay đổi của giá thường có mức hỗ trợ/kháng cự nằm gần hoặc trên các đường thẳng đứng này.
Note:
Các kết quả nghiên cứu về Fibonacci này không có ý định làm kim chỉ nam cho việc xác định thời gian xâm nhập hoặc thoát ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, nó có thể hữu ích trong việc xác định vùng hỗ trợ và kháng cự. Các nhà đầu tư có thể sử dụng kết hợp các phương pháp Fibonacci này để có thể đưa ra các mức dự đoán chính xác hơn. Nhiều người khác kết hợp các nghiên cứu về Fibonacci với các dạng thức phân tích kỹ thuật khác như “lý thuyết sóng Elliot” để dự đoán mức độ đảo ngược xu hướng sau mỗi bước sóng khác nhau. Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ xin dừng lại ở mức độ ứng dụng cơ bản của dãy Fibonacci, hy vọng có thể cung cấp cho các bạn vài thông tin hữu ích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét